Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Kỷ niệm một năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

VATICAN. Hôm 13-3-2014, Giáo Hội đã mừng kỷ niệm 1 năm ĐHY Jorge Bergoglio SJ được bầu làm Giáo Hoàng Phanxicô.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, ngày kỷ niệm 1 năm của ĐTC Phanxicô không có gì đặc biệt: ĐGH cầu nguyện và trong một Tweet, ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Rất nhiều điện văn đã được gửi về Vatican để chúc mừng ĐTC, trong khi ngài và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh tham dự tuần tĩnh tâm mùa chay tại Ariccia (cách Roma 30 cây số) từ chiều 9 đến sáng 14-3-2014.
Ngoài điện văn của các vị lãnh đạo Công Giáo, người ta cũng đặc biệt chú ý đến điện văn của Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo Chủ Chính Thống Nga, trong đó có đoạn viết: ”Năm đầu tiên triều đại Giáo Hoàng của Ngài được đánh dấu bằng những hy vọng lớn và những công trình quan trọng của Giáo Hội Công Giáo.. Sự dấn thân của Ngài trong việc làm cho các lý tưởng Tin Mừng hiện diện trong đời sống xã hội hiện đại đã mang lại những thành quả… Sự chăm sóc và quan tâm của ĐGH đối với người đau khổ nhắc nhớ cho mọi người về nghĩa vụ yêu thương huynh đệ”.
Đức Thượng Phụ Kirill cũng nhấn mạnh rằng ”Các quan hệ song phương giữa Công Giáo và Chính Thống Nga đã được phát triển thêm trong năm qua.. Tôi đánh giá mức độ cao trong sự cảm thông và dấn dấn của hai bên nhắm củng cố sự cộng tác giữa Chính Thống và Công Giáo, trong việc củng cố các giá trị luân lý, tinh thần Kitô giáo trong thế giới ngày nay, việc bảo vệ những người bị áp bức và chân thành phục vụ tha nhân”, đó là những lãnh vực cộng tác giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo hội Công Giáo Roma” (AGI 13-3-2014)
Một số nhận định và cảm tưởng

Phái viên hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ ở Roma đã thu thập cảm tưởng và nhận định của một số Hồng Y về năm đầu tiên của ĐGH Phanxicô, nhân dịp các vị về Roma tham dự công nghị đặc biệt của hồng y đoàn về các vấn đề mục vụ gia đình và lễ phong 19 Hồng y mới (từ 21 đến 23-2-2014):

ĐHY Donald Wuerl, TGM giáo phận Washington, thủ đô Hoa kỳ, nhận định rằng ”Năm qua thật là một năm ngoại thường. ĐGH Phanxicô đã có thể giúp dân chúng nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô hữu hình trong Giáo Hội của Ngài. Thật là một món quà đặc biệt và là một thách đố cho tất cả chúng ta”.
Đức tân Hồng Y Vincent Nichols, TGM giáo phận Westminster Thủ đô Anh quốc, thì nói: ”ĐGH Phanxicô mang lại những món quà đặc biệt cho vai trò của ĐGH. Ngài mang cho mỗi người một động lực hăng hái lớn lao và niềm vui được là người Công Giáo, một thách thức sâu đậm làm sao để cuộc sống của chúng ta có Chúa Kitô là trung tâm. Ngài mời gọi đổi mới quyết liệt trong Giáo Hội bắt đầu từ gốc rễ. ĐGH đi tới trọng tâm sự hiện hữu của Giáo Hội, cho thấy lý do tại sao Giáo Hội hiện hữu: nghĩa là chúng ta là những môn đệ thừa sai của Chúa. Chúng ta được mời gọi tháp tùng Chúa và được kêu gọi đi ra ngoài để chia sẻ Tin Mừng”.
ĐHY Luis Tagle, TGM giáo phận Manila, Philippines, nói: ”Đối với tôi, ĐGH Phanxicô là một người có niềm vui sâu xa trong nội tâm. Năm đầu tiên của ngài biểu lộ rất nhiều điều mà tôi tin tưởng. Ví dụ ĐGH nói Giáo Hội cần phải khiêm tốn hơn, là một Giáo Hội lắng nghe, một Giáo Hội không tự phụ là có mọi câu trả lời, một Giáo Hội có thể bị hoang mang như những người khác khi cuộc sống của họ bị xáo trộn, một Giáo Hội im lặng – thứ im lặng của người chiêm niệm, chứ không phải im lặng vì phẫn nộ.. Nhiều người quí chuộng điều đó, nhưng một số thành phần trong Giáo Hội thì không. Họ giải thích sự thái độ cảm thông, thinh lặng, lắng nghe của bạn như một sự khuất phục đối với thế gian và là một sự lơ là với sứ vụ ngôn sứ. Nhưng sứ vụ ngôn sứ là điều rộng rãi hơn là thái độ phẫn nộ. Tôi nghĩ cứ la ó, la làng, đó không phải là phương thức thích hợp để giải quyết các vấn đề..”
ĐHY Tagle nói thêm rằng: ”Tôi rất vui mừng vì ĐTC trở lại với lối sống hợp với Tin Mừng hơn, một lối sống dẫn đưa chúng ta đến chỗ tự phê bình về những gì chúng ta đã thừa hưởng và thanh tẩy những điều đó dưới ánh sáng Phúc Âm”.
ĐHY Oswald Gracias, TGM giáo phận Mumbai Ấn độ và là một trong 8 HY cố vấn của ĐGH, nhận xét rằng ”Triều đại Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô đã tạo nên sự khác biệt cho Giáo Hội, Giáo Hội tại Ấn độ chẳng hạn, và Giáo Hội tại Á châu. Chúng tôi đã tìm đến với người nghèo nhiều hơn, và ĐGH cũng làm cho chúng tôi suy nghĩ lại, cứu xét cuộc sống và hoạt động về phương diện chất lượng, chứ không phải chỉ về số lượng mà thôi, dành ưu tiên cho sự tiếp xúc với con người. Đó là điều ĐGH nhắc nhở chúng tôi. Và cũng cần phải sống đơn sơ, ĐGH thúc đẩy chúng tôi trở về những điều căn bản, biến chúng tôi thành Giáo Hội như Chúa Giêsu mong muốn”.
ĐHY Gracias cũng kể rằng khi người ta hỏi ĐGH Phanxicô xem điều gì mới mẻ ngài đang mang lại cho Giáo Hội, ngài đáp: ”Tất cả những gi tôi muốn cho Giáo Hội chính là Chúa Giêsu Kitô”. ĐHY nói tiếp: ”Tôi rất vui mừng vì cả thế giới đã phản ứng tích cực. Đó thực là một thách đố đối với mọi vị tân Giáo Hoàng. Có thể nói ĐGH Phanxicô đã gảy vào dây đàn đúng! Tôi hy vọng tất cả các HY chúng tôi có thể cộng tác vơi nhau và ủng hộ ĐGH về những gì ngài muốn làm cho Giáo Hội, nghĩa là làm cho Hội Thánh được sinh động hơn. Tôi thực sự cảm thấy ĐGH Phanxicô làm cho Giáo Hội tái trở thành tiến nói của người nghèo, là tiếng nói luân lý trên thế giới, và dân chúng lắn gnghe ngài. Tôi hy vọng dân chúng không những chỉ lắng nghe ĐGH nhưng còn hành động theo những gì ngài nói”
- ĐHY Wilfrid Napier dòng Phanxicô, TGM giáo phận Durban, Nam Phi, nhận xét rằng: ”ĐGH Phancixô đã trao tặng đức tin, lối sống Công Giáo với một sắc thái, một tinh thần và một sự nhấn mạnh khác. Tôi có thể nói điều cốt yếu của ĐGH Phanxicô là: nếu tôi nhìn xem tôi là ai, tôi có thể thấy tất cả những điều sai lầm với tôi, và chỉ nhờ ơn Chúa mà tôi không phải là con người sai lầm mà tôi có thể trở thành, vì vậy sở dĩ tôi được như hiện nay là nhờ ơn Chúa. Có hai cực: tôi là người tội lỗi và ơn thánh của Chúa đang biến đổi tôi”.
”Ngài không phải là điều ngài đang là vì địa vị ngài được, nhưng vì một quan hệ với Thiên Chúa và quan hệ với Chúa Giêsu, chính điều đó làm cho ngài khác người. Dĩ nhiên đối với tôi, trong tư cách là tu sĩ Phanxicô, có hai thách đố mà ĐGH đang đương đầu, nghĩa là ngài là một tu sĩ dòng Tên sống theo đường lối Phanxicô hơn tôi. Đối với tôi đó là một thách đố tốt đẹp mà tôi có thể chia sẻ với ĐGH, cái ý tưởng sống như thánh Phanxicô Assisi” (CNS 4-3-2014)
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sống tinh thần khiêm hạ nghèo khó

Nhận định của Cha Lombardi SJ
Trong số những người có một vai trò quan sát đặc biệt đối với triều đại của ĐGH Phanxicô là cha Federico Lombardi, dòng Tên, Tổng giám đốc đài Vatican và Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh. Cha đã dành cho hãng tin Zenith ở Roma một cuộc phỏng vấn về Đức đương kim Giáo Hoàng:
H. Thưa cha Lombardi, việc bầu cử ĐGH Phanxicô đã thay đi hoàn toàn thái độ của các cơ quan truyn thông đối với chức vụ Giáo Hoàng. Đâu là bí quyết của ĐGH Phanxicô trong vn đề này và khả năng đả thông của Ngài với dân chúng đã thu phục được giới truyền thông như vậy?
Đ. Có một sự thay đổi về ngôn ngữ, không những về lời nói nhưng cả những cử chỉ và thái độ nữa. ĐGH Phanxicô đã đánh động được tâm hồn của con người, đặc biệt là ngài vượt lên trên được khoảng cách và các hàng rào. Trọng tâm của ngôn ngữ mới này là việc loan báo tình thương của Chúa Kitô cho tất cả mọi người, đề tài lòng từ bi và tha thứ của Chúa cho mọi người. Trước đó, trong giới truyền thông có một thành kiến được phổ biến, người ta nghĩ rằng Giáo Hội luôn nói ”không” và không gần gũi với dân chúng. ĐGH Phanxicô đã thành công trong việc giúp dân chúng hiểu được có một cách khác để đọc sứ điệp của Thiên Chúa và tương quan của Giáo Hội với dân chúng.
H. ĐGH Phanxicô thường ứng khẩu nói với dân chúng, và ngài cũng trả lời phỏng vấn cho những ngưi xin, và ngài cũng điện thoại riêng cho nhiều người. Trong bối cảnh đó, đâu là những vấn đế mà vị Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh gặp phải?

Đ. Vấn đề tôi gặp phải trong những tình trạng như thế cũng giống như vấn đề của các hiến binh Vatican khi ĐGH muốn đến gần, tiếp xúc với dân chúng, và từ chối không chịu dùng xe chắn đạn. Chúng tôi phục vụ ĐGH và chúng tôi học về lối hành động, cách sống và phương thức đả thông của ngài với dân chúng. Tôi phải hiểu: tôi có thể cộng tác vào sự truyền thông của ngài như thế nào. Khi ĐGH nói, trả lời phỏng vấn, nói trực tiếp với dân chúng, tôi không gì để nói thêm, tôi chỉ can thiệp khi xảy ra vài vấn đề cần làm sáng tỏ.
ĐGH. Phanxicô giữa rừng người tại Rio De Janeiro, Brazil

H. Một năm đã trôi qua trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô và tạp chí Time của Mỹ đã chọn ngài làm người nổi bật nhất trong năm 2013. Cha có thể bình luận gì về sự chọn lựa như thế?

Đ. ĐGH Phanxicô không phải là người tìm kiếm thành công hoặc sự nổi tiếng. Một lần khi người ta hoan hô ngài, ngài nói: ”Anh chị em đừng nói “Viva il Papa, Hoan hô Đức Giáo Hoàng!” Nhưng hãy nói ”Viva Gesù!”, Hoan hô Chúa Giêsu. Đồng thời ĐTC Phanxciô có thể chấp nhận là ”Người nổi bật nhất trong năm” theo tạp chí Time. Nếu sự chọn lựa của tạp chí này có nghĩa là làm cho mục đích sứ mạng của Giáo Hội được nhìn nhận, và sứ điệp mà ĐGH Phanxicô thông truyền, thì đó là điều tốt, đáng chào mừng, nếu không thì chắc chắn đối với ĐGH, điều đó chẳng mang lại điều gì cho ngài.


Pope Francis, Person of the year 2013 ( TIMES)
H. Thưa cha Lombardi, có những lời khuyên nào cha muốn nói với các ký giả không để họ cải tiến việc truyền thông của họ, nhất là về ĐGH, về Giáo triều Roma và Giáo Hội nói chung?

Đ. Điều thường thiếu nơi các ký giả, đó là ý hướng sứ mạng của Giáo Hội và của ĐGH. Nhiều khi các ký giả đọc các biến cố và đưa ra những giải thích xa lạ với thực tại của Giáo Hội, ví dụ họ nhìn và giải thích dưới khía cạnh chính trị hoặc kinh tế. Vì thế, về Giáo Hội, chỉ thỉ nhìn dưới khía cạnh tranh giành quyền bính hoặc lợi lộc kinh tế phe phái. Đó là tình trạng bi thảm dưới thời Vatileaks với những tài liệu của Tòa Thánh bị thất thoát và đăng tải trên báo chí. Trái lại, đó là một tiến trình tìm kiếm cuộc sống và hành động phù hợp với Phúc Âm, canh tân nội tâm và thanh tẩy.
H. Trong bối cảnh đó, nhiều ký giả chỉ nhìn sự canh tân giáo triều Roma như một sự đổi mới thuộc loại chính trị. Cha có thể nói gì về sự kiện này?

Đ. ĐGH đã thành công trong việc giúp người ta hiểu rằng Giáo Hội hiện hữu là để nói với dân chúng rằng họ được Thiên Chúa yêu thương. Vì thế việc cải tổ giáo triều Roma chỉ là điều phụ thuộc: việc cải tổ này giúp Giáo Hội loan báo sứ điệp Tin Mừng hữu hiệu hơn, không phải ở Vatican mà thôi, nhưng trong các giáo phận và các khu vực ven biên. Cac cơ cấu trung ương Tòa Thánh hiện hữu không phải để thống trị, nhưng để phục vụ và trợ giúp: việc cải tổ nhắm tới mục đích đó.

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 13.03.2014)
 http://conggiao.info/news/809/21766/ky-niem-mot-nam-giao-hoang-cua-duc-thanh-cha-phanxico.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét